ĐBQH đề xuất hành vi hành hung bác sĩ là “chống người thi hành công vụ”
Phân tích sâu hơn về vấn đề, bà Phong Lan cho biết, hiện các bệnh viện tự chủ một phần hoặc tự chủ hoàn toàn, điều này tức nhà nước “thu hẹp” dần trả lương, bệnh viện phải tự trả cho nhân viên dẫn tới phải thu trên đầu người bệnh. Nếu giá khám, chữa bệnh BHYT rẻ quá thì các bệnh viện phải trông chờ vào nguồn thu dịch vụ.
Nữ ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cũng phân tích, theo cơ chế thị trường, bệnh viện nào trả lương cao thì hút chất xám, mời được những bác sĩ giỏi dẫn tới việc nhiều y bác sĩ bỏ công sang tư, ảnh hưởng tới việc người bệnh chịu chi phí mức cao hơn. Dù bệnh viện công hay tư đều phục vụ nhân dân nhưng theo đại biểu “cần đảm bảo công bằng”, tránh sự chênh lệch quá lớn khiến người nghèo không có tiền vào khám tư hoặc khám tự nguyện ở bệnh viện công.
Bà Phong Lan cũng kiến nghị cần thay đổi trong việc phân cấp bệnh viện, thay vì phân cấp theo hành chính, cần phân cấp theo chất lượng bệnh viện, với việc đánh giá chất lượng được thực hiện thông qua tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập. Đại biểu bày tỏ hy vọng việc thay đổi phân cấp này sẽ tạo ra thay đổi mạnh mẽ, tăng tính cạnh tranh qua đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng cần quy định rõ, hành vi chống đối, quấy phá, hành hung tại cơ sở khám, chữa bệnh được xem là chống người thi hành công vụ. Từ đó có chế tài cụ thể, rõ ràng, đủ sức răn đe đối với những hành vi này.
Cần quan tâm hơn đến đội ngũ thầy thuốc ở vùng sâu, vùng xa
Tán thành sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) cho biết, sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 không còn phù hợp với thực tiễn, không tương thích với hệ thống pháp luật liên quan; việc áp dụng một số quy định còn khó khăn, vướng mắc. Do đó, cần phải được điều chỉnh, cập nhật và quy định cụ thể hơn để phù hợp với tình hình thực tế trong công tác khám bệnh, chữa bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Liên quan đến quy định về thời hạn của giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh đề nghị cần quy định thời hạn của giấy phép hành nghề để tăng cường kiểm soát trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề.
ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh lý giải “Nghề y là nghề đặc biệt chính vì vậy họ phải thường xuyên nâng cao trình độ phải thật sự có năng lực, có tay nghề. Đồng thời, khi cơ sở khám chữa bệnh có đội ngũ y, bác sỹ giỏi cũng sẽ thu hút nhiều người đến tham gia điều trị bệnh và như vậy đồng nghĩa với việc làm phát triển hơn cơ sở khám chữa bệnh. Do đó, cần phải có sự kiểm tra, đánh giá tay nghề của đội ngũ này nhằm đảm bảo yêu cầu và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và việc quy định thời hạn của giấy phép hành nghề là cần thiết và phù hợp…”.
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu đề nghị cần quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân nhằm đảm bảo sự thống nhất đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân giúp người bệnh dễ tiếp cận và cũng có được thông tin rõ hơn khi tham gia dịch vụ điều trị bệnh tại các cơ sở tư nhân.
Vị đại biểu đoàn Bạc Liêu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến chính sách cho đội ngũ y, bác sỹ đặc biệt là đội ngũ ở cơ sở; các trạm y tế xã phường, thị trấn và đội ngũ y, bác sỹ được luân chuyển về các dịa phương vùng sâu, vùng xa,… Có biện pháp cụ thể sớm cải thiện tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế.
Ngoài ra, Bộ Y tế cần có định hướng và giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo đối với lực lượng y sỹ, điều dưỡng từ đó nâng cao tay nghề, công tác chuyên môn cho đội ngũ này góp phần tạo thêm nguồn lực cho ngành y tại cơ sở.
Nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế